Lưu ý về Phòng cháy chữa cháy khi đầu tư xây dựng khách sạn

Kinh doanh khách sạn là một trong những ngành dịch vụ đặc thù, bên cạnh việc làm ra lợi nhuận thì việc phải thực hiện nghiêm những quy định PCCC và thoát nạn là yêu cầu bắt buộc. Nếu bạn đang có ý định đầu tư xây dựng khách sạn mà chưa nắm được các quy định về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) như việc bắt đầu từ đâu, triển khai như thế nào, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu kiến thức và các bước hoàn thiện hồ sơ thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, góp phần giảm bớt rủi ro, thiệt hại không đáng có về kinh tế, công sức, thời gian khi phải tổ chức khắc phục các vi phạm, tồn tại về PCCC.

 

Hình 1: Hình ảnh minh họa công trình khách sạn (nguồn internet)

 

Phần 1: Giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án, công trình

Tùy theo tổng mức đầu tư, quy mô của khách sạn dự kiến đầu tư mà bạn cần tìm hiểu và tuân thủ theo quy định của Luật PCCC, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, tuy nhiên về cơ bản bạn cần biết và thực hiện một số nội dung sau:

1. Trách nhiệm của chủ đầu tư

Trước hết là quy định của pháp luật về trách nhiệm của chủ đầu tư đối với công tác PCCC, nội dung này được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP. Trường hợp vi phạm sẽ bị cơ quan quản lý nhà nước xử lý theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP và Điều 17 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, theo đó bạn cần lưu ý:

- Lập hồ sơ thiết kế cho khách sạn bảo đảm theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Đối với công trình thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC thì chỉ tiến hành thi công, xây dựng khi hồ sơ thiết kế công trình đã được cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH theo thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về PCCC;

- Tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát thi công theo đúng thiết kế về PCCC đã được phê duyệt. Đối với công trình thuộc diện thẩm duyệt, trong quá trình thi công nếu có sự thay đổi, điều chỉnh về thiết kế và thiết bị PCCC ảnh hưởng đến các điều kiện an toàn PCCC thì phải lập thiết kế bổ sung để được thẩm duyệt điều chỉnh trước khi thi công;

- Bảo đảm an toàn PCCC trong suốt quá trình thi công;

- Tổ chức nghiệm thu về PCCC cho công trình trước khi đưa công trình vào sử dụng. Chịu trách nhiệm về kết quả nghiệm thu;

- Cung cấp hồ sơ thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC của công trình cho đơn vị quản lý, vận hành và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Khi chủ đầu tư không thực hiện các nội dung trên, cơ quan quản lý nhà nước về PCCC sẽ xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP (phạt đến 40 triệu đồng với lỗi tổ chức thi công, xây dựng công trình thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC mà chưa có giấy chứng nhận thẩm duyệt; phạt đến 80 triệu đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào sử dụng khi chưa tổ chức kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC, đồng thời bị yêu cầu buộc phải tổ chức khắc phục). Trường hợp không tổ chức khắc phục và vẫn tiếp diễn hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định về PCCC thì công trình sẽ bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, thông báo công khai trên trang thông tin điện tử, phương tiện truyền thông theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020; xem xét, chuyển vụ việc vi phạm tới cơ quan Cảnh sát điều tra để giải quyết theo quy định theo khoản 4 Điều 313 Bộ Luật Hình sự.

2. Xác định công trình phải thực hiện thẩm duyệt thiết kế về PCCC hay không?

Cùng với việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, cấp phép xây dựng thì bạn cũng phải xác định xem công trình của mình có phải thực hiện thủ tục thẩm duyệt thiết kế về PCCC hay không để tổ chức thực hiện bằng cách căn cứ vào số tầng, khối tích của công trình, đối chiếu với mục khách sạn tại điểm 7, Phụ lục V, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP (hoặc mục nhà hỗn hợp tại điểm 2, Phụ lục V khi công trình có mục đích sử dụng vừa để ở vừa kinh doanh khách sạn với phần diện tích kinh doanh chiếm từ trên 30% tổng diện tích sàn);

- Khi công trình không thuộc diện thì không phải thực hiện thủ tục thẩm duyệt, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC. Tuy nhiên vẫn phải thiết kế và thi công đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật tương ứng với quy mô công trình được quy định tại các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành về PCCC;

- Khi công trình thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC (có chiều cao từ 7 tầng trở lên hoặc khối tích từ 5000 m3 trở lên), chủ đầu tư cần lập hồ sơ bảo đảm theo quy định tại điểm d, khoản 4, Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP gửi cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH theo thẩm quyền (quy định tại khoản 12, Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP) để thẩm duyệt và cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC cho công trình trước khi triển khai thi công;

- Lưu ý về tính số tầng, khối tích, chiều cao để xác định đối tượng, thẩm quyền thực hiện thẩm duyệt:

+ Số tầng nhà gồm toàn bộ các tầng trên mặt đất (kể cả tầng kỹ thuật, tầng tum) và tầng bán/nửa hầm, không bao gồm tầng áp mái. Đối với công trình có các cao độ mặt đất khác nhau thì số tầng nhà tính theo cao độ mặt đất thấp nhất theo quy hoạch được duyệt. Tầng tum không tính vào số tầng nhà của công trình khi chỉ có chức năng sử dụng để bao che lồng cầu thang bộ/giếng thang máy và che chắn các thiết bị kỹ thuật của công trình (nếu có), có diện tích mái tum không vượt quá 30 % diện tích sàn mái; Tầng lửng không tính vào số tầng của công trình khi chỉ bố trí sử dụng làm khu kỹ thuật (ví dụ: sàn kỹ thuật đáy bể bơi, sàn đặt máy phát điện hoặc các thiết bị công trình khác), có diện tích sàn xây dựng không vượt quá 10% diện tích sàn xây dựng của tầng ngay bên dưới.

+ Chiều cao công trình để xác định đối tượng, thẩm quyền thẩm duyệt là chiều cao PCCC, được xác định bằng khoảng cách từ mặt đường thấp nhất cho xe chữa cháy tiếp cận tới mép dưới của lỗ cửa (cửa sổ) mở trên tường ngoài của tầng trên cùng, không kể tầng kỹ thuật trên cùng. Khi không có lỗ cửa (cửa sổ), thì chiều cao PCCC được xác định bằng một nửa tổng khoảng cách tính từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mặt sàn và đến trần của tầng trên cùng; Trong trường hợp mái nhà được khai thác sử dụng thì chiều cao PCCC của nhà được xác định bằng khoảng cách lớn nhất từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mép trên của tường chắn mái (Điều 1.4.8 của QCVN 06:2021/BXD);

+ Tổng khối tích dự án, công trình để xác định đối tượng thẩm duyệt là tổng khối tích các hạng mục trong khuôn viên của dự án, công trình đó, không bao gồm các hạng mục phụ trợ không có nguy hiểm về cháy, nổ, được bố trí độc lập và bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC đến các hạng mục xung quanh (nhà bảo vệ, nhà vệ sinh công cộng, trạm bơm nước thải...).

3. Thiết kế về PCCC cho công trình

Công trình phải được thiết kế bảo đảm theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về PCCC hiện hành, trong đó:

a) Một số quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng

- Về quy mô, kiến trúc, các hệ thống kỹ thuật có liên quan đến PCCC của công trình (an toàn cháy) thực hiện theo QCVN 06:2021/BXD, QCVN 13:2018/BXD (nếu trong công trình có bố trí gara ô tô), và tham khảo TCVN 4391:2015, TCVN 5065:1990... Riêng đối với các công trình có chiều cao trên 150 m hoặc có từ 4 tầng hầm trở lên thì ngoài việc thực hiện theo QCVN 06:2021/BXD còn phải bổ sung các yêu cầu kỹ thuật và giải pháp về tổ chức, kỹ thuật phù hợp với đặc điểm công trình trên cơ sở tài liệu chuẩn hiện hành được phép áp dụng theo quy định tại Điều 1.1.10 QCVN 06:2021/BXD;

- Về trang bị phương tiện, hệ thống PCCC thực hiện theo TCVN 3890:2009;

- Về yêu cầu kỹ thuật của từng hệ thống: Hệ thống chữa cháy Sprinkler đáp ứng TCVN 7336:2003; hệ thống báo cháy tự động đáp ứng TCVN 5738:2001, TCVN 7568-14:2015 ISO 7240-14:2013; Trạm bơm nước chữa cháy với nhà cao 10 tầng trở lên hoặc có tổng diện tích sàn 18.000 m2 trở lên thực hiện theo QCVN 02:2020/BCA; hệ thống hút khói đáp ứng Phụ lục D QCVN 06:2021/BXD và TCVN 5687:2010; hệ thống cấp gas (LPG) bằng giàn chai chứa đáp ứng QCVN 10:2012/BCT; TCVN 7441:2004 ...;

>>> Xem thêm: Tiêu chuẩn bố trí đầu phun chữa cháy Sprinler (tự động)

- Trường hợp sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài về PCCC để thiết kế phải được Bộ Công an chấp thuận theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy số 40/2013/QH13.

b) Bậc chịu lửa, quy mô của công trình

- Theo quy định tại Bảng 4 QCVN 06:2021/BXD, bậc chịu lửa của nhà, công trình được phân làm 5 loại tương ứng với giới hạn chịu lửa của các kết cấu chính (bộ phận chịu lực, tường ngoài không chịu lực, sàn, mái, kết cấu buồng thang bộ). Thông thường các nhà, công trình xây dựng với các kết cấu chính bằng bê tông cốt thép sẽ được xếp loại chịu lửa bậc I hoặc II; bằng thép không bọc bảo vệ được xếp loại chịu lửa bậc IV, bằng gỗ chưa qua xử lý chống cháy sẽ được xếp loại chịu lửa bậc V. Đối với khách sạn có chiều cao PCCC từ trên 50m trở lên đến 150m, các bộ phận của nhà phải bảo đảm giới hạn chịu lửa theo quy định tại bảng A1 QCVN 06:2021/BXD;

- Số tầng cao được phép xây dựng và diện tích khoang cháy của một tầng sẽ tương ứng với bậc chịu lửa, giới hạn chịu lửa của các cấu kiện (quy định tại Mục H2, Phụ lục H; Mục A2, Phụ lục A QCVN 06:2021/BXD). Theo đó nếu công trình có bậc chịu lửa IV hoặc V thì chỉ được phép xây dựng không quá 2 tầng; có bậc chịu lửa I và các cấu kiện của nhà đáp ứng được quy định tại bảng A1 thì được xây dựng có chiều cao PCCC đến 150 m, diện tích khoang cháy của một tầng ở phần nhà có chiều cao dưới 50 m không quá 4.400 m2 (khi công trình trang bị hệ thống chữa cháy tự động), ở phần nhà có chiều cao từ 50 m trở lên không quá 2.200 m2, khu vực gara để xe ngầm không quá 3.000 m2.

c) Bố trí mặt bằng, công năng sử dụng

Thực tế hiện nay với một khách sạn có quy mô vừa và lớn thường có các công năng chính như: Gara ô tô, xe máy; trạm biến áp, máy phát điện; bếp, phòng ăn; hội trường (với nhiều mục đích sử dụng từ tổ chức sự kiện hội họp đến tiệc cưới,...), phòng Gym, bể bơi; quầy bar, cafe, các gian phòng giải trí; phòng ngủ lưu trú..... Khi dự kiến bố trí các công năng này trong khuôn viên khách sạn thì ngoài yếu tố tiện dụng, thẩm mỹ, phải bảo đảm các quy định về PCCC như:

- Gara ô tô không được bố trí quá 5 tầng hầm hoặc quá 9 tầng nổi; Không cho phép bố trí các gian phòng thương mại, quầy hàng, kiốt, sạp hàng ... ngay trong các gian phòng lưu giữ ô-tô;

- Khu vực tầng hầm không bố trí các gian phòng có sử dụng hoặc lưu giữ các chất khí và chất lỏng cháy cũng như các vật liệu dễ bắt cháy; Các trạm biến áp chỉ cho phép đặt ở tầng một, tầng nửa hầm và tầng hầm đầu tiên (máy biến áp khô); Trạm bơm cấp nước chữa cháy khi đặt tại tầng hầm thì không đặt quá tầng hầm thứ nhất. Không bố trí các gian phòng có hạng nguy hiểm cháy nổ A, B (như trạm cấp gas (LPG), bồn chứa dầu) bên trong phạm vi của nhà có chiều cao PCCC từ trên 50 m;

- Các gian phòng, khu vực tập trung đông người (hội trường, phòng đa năng, phòng tập thể thao...) phải bố trí tại các tầng thấp để đảm bảo việc thoát nạn nhanh chóng và thuận lợi cho công tác cứu nạn theo quy định Phụ lục H QCVN 06:2021/BXD (khi công trình có bậc chịu lửa I, II được bố trí không quá tầng 14 với các gian phòng đến 300 chỗ; không quá tầng 3 với các gian phòng nhiều hơn 600 chỗ ...). Ngoài ra đối với các công trình có chiều cao từ trên 50m phải bảo đảm quy định tại mục A2 Phụ lục A QCVN 06:2021/BXD như: các gian phòng công cộng đặt ở chiều cao PCCC trên 50 m thì số chỗ ngồi cố định không được vượt quá 100; mái nhà được sử dụng để bố trí các quán ăn, quán giải khát, hoặc các diện tích dùng cho ngắm cảnh, dạo chơi, trong đó có số người cùng một lúc, vượt quá 50 người thì khu vực đó phải có không ít hơn 2 lối ra thoát nạn; Các gian phòng có người khuyết tật sinh hoạt thường xuyên không được đặt cao hơn tầng 2, nếu có người khuyết tật dùng xe lăn thì không được đặt cao hơn tầng 1...;

- Khi công trình có từ 2 tầng hầm trở lên hoặc cao trên 10 tầng phải bố trí phòng trực điều khiển chống cháy đáp ứng một số tiêu chí như: diện tích không nhỏ hơn 6 m2, có lối thoát nạn trực tiếp ra ngoài (do đó phải được bố trí tại tầng 1 (tầng trệt)); có bảng theo dõi, điều khiển các thiết bị chữa cháy, khống chế khói, …; Chiều cao PCCC từ trên 50 m trở lên phải có phòng bảo quản các phương tiện chữa cháy tại chỗ bố trí ở tầng dưới của mỗi khoang cháy theo chiều cao...;

- Ngoài thang máy chở người và thang máy chở hàng thì tại các khách sạn có chiều cao PCCC lớn hơn 28 m, hoặc có chiều sâu của sàn tầng hầm dưới cùng (tính đến cao độ của lối ra thoát nạn ra ngoài) lớn hơn 9 m hoặc nhà có gara ô tô ngầm nhiều hơn 2 tầng hầm phải có tối thiểu một thang máy chữa cháy cho mỗi khoang cháy đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Điều 6.13 QCVN 06:2021/BXD và TCVN 6396-72:2010 (EN 81-72:2003), trong đó lưu ý: không được sử dụng các thang máy chủ yếu để vận chuyển hàng hóa để làm thang máy chữa cháy; Ở điều kiện bình thường, thang máy chữa cháy vẫn được sử dụng để chở người; Trước lối vào thang máy phải đi qua 1 sảnh đệm có diện tích tối thiểu 4 m2, được bao bọc bằng vách ngăn cháy loại 1, được tăng áp và lắp đặt họng chờ cấp nước DN 65 dành cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp; thang máy phải đặt trong các giếng thang riêng (không chung với các loại thang máy khác) với kết cấu bao bọc có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 120, có tốc độ di chuyển không được nhỏ hơn H/60 (m/s), trong đó H là chiều cao nâng (m); có số lượng được tính toán đủ để khoảng cách từ vị trí các thang máy đó đến một điểm bất kỳ trên mặt bằng tầng mà nó phục vụ không vượt quá 60 m (không quá 45m với nhà có chiều cao PCCC từ trên 50m);
 

 

 

      Hình 2: Bố trí thang máy chữa cháy

 

- Khách sạn có chiều cao PCCC trên 100 m phải bố trí tầng lánh nạn, gian lánh nạn bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Điều A3.2 QCVN 06:2021/BXD.

d) Lối ra thoát nạn

Quá trình xem xét công năng sử dụng tại các khu vực trong khách sạn cần kết hợp với việc tính toán bố trí đường, lối ra thoát nạn cho từng gian phòng, từng tầng và toàn bộ công trình để đáp ứng các quy định tại Mục 3 và Mục A2 QCVN 06:2021/BXD (đối với khu vực gara ô tô đáp ứng quy định tại Điều 2.2.1.14 QCVN 13:2018/BXD). Theo đó tại tất cả các tầng nhà, công trình phải có không ít hơn 2 lối ra thoát nạn, bố trí phân tán để cho người trong tòa nhà, công trình có thể di chuyển ra ngoài trực tiếp hoặc qua hành lang, tiền sảnh, buồng thang bộ, trong đó lưu ý:

 

 


Hình 3: Lối ra thoát nạn từ tầng bất kỳ trừ tầng 1

 

- Đối với tầng kỹ thuật có diện tích tới 300 m2 cho phép bố trí một lối ra thoát nạn; tầng hầm, tầng nửa hầm cho phép có một lối ra thoát nạn khi có diện tích đến 300 m2 hoặc dùng cho không quá 15 người có mặt đồng thời; Đối với khu vực gara ô tô (trừ gara ô-tô cơ khí) tại mỗi tầng của một khoang cháy phải có không ít hơn hai lối thoát nạn (bố trí phân tán dẫn trực tiếp ra bên ngoài hoặc vào buồng thang bộ, cho phép một trong các lối thoát hiểm bố trí trên đường dốc cách ly); Thang bộ phục vụ cho tầng hầm và tầng nổi phải bảo đảm ngăn cách, tách biệt;

- Khi nhà chiều cao PCCC đến 28m cho phép đi qua cầu thang bộ loại 3 (cầu thang bên ngoài nhà, để hở) hoặc qua hành lang bên (hành lang mà ở một phía có thông gió với bên ngoài, không bị chắn liên tục theo chiều dài, với chiều cao thông thủy tính từ đỉnh của tường chắn ở mép hành lang lên phía trên không nhỏ hơn 1,2 m) vào cầu thang bộ loại 2 (cầu thang bên trong nhà, để hở). Ngoài ra đối với các nhà có chiều cao đến 21m (không quá 15 m thì diện tích mỗi tầng không được lớn hơn 300 m2; chiều cao từ trên 15 m đến 21 m thì diện tích mỗi tầng không được lớn hơn 200 m2 và toàn bộ nhà được bảo vệ bằng hệ thống chữa cháy tự động) cho phép có một lối ra thoát nạn từ mỗi tầng khi số người trên mỗi tầng (tính theo Bảng G.9, Phụ lục G, QCVN 06:2021/BXD) không vượt quá 20 người và khi lối thoát nạn đi vào buồng thang bộ không nhiễm khói có cửa đi ngăn cháy đạt giới hạn chịu lửa tối thiểu 30 phút.

 


Hình 4: Lối ra thoát nạn từ tầng bất kỳ trừ tầng 1 (vào hành lang bên của nhà có chiều cao PCCC dưới 28 m dẫn trực tiếp vào cầu thang bộ loại 2)

 

- Khi chiều cao PCCC trên 28m phải bố trí các buồng thang bộ không nhiễm khói (N1 - có lối vào buồng thang từ mỗi tầng đi qua một khoảng đệm không nhiễm khói được thực hiện bằng giải pháp thông gió tự nhiên phù hợp; N2 - có áp suất không khí dương trong buồng thang khi có cháy; N3 - có lối vào buồng thang từ mỗi tầng đi qua khoang đệm có áp suất không khí dương (áp suất không khí dương trong khoang đệm là thường xuyên hoặc khi có cháy);

- Đường thoát nạn, hành lang, buồng thang bộ phải bảo đảm các yêu cầu về chiều rộng, chiều cao thông thủy; khoảng cách thoát nạn; kết cấu, vật liệu bao che và tạo ra chúng… Khi chiều cao nhà từ trên 50m ngoài bảo đảm các yêu cầu trên thì phải đáp ứng được các quy định tại mục Mục A2 QCVN 06:2021/BXD;

- Ngoài ra phải bố trí lối ra mái trực tiếp từ các buồng thang bộ hoặc đi qua tầng áp mái, hoặc đi theo cầu thang bộ loại 3, hoặc đi theo thang chữa cháy ngoài nhà bảo đảm số lượng theo Điều 6.6 QCVN 06:2021/BXD khi nhà có chiều cao PCCC lớn hơn hoặc bằng 10 m tính đến diềm mái hoặc mép trên của tường ngoài (tường chắn).

đ) Giao thông phục vụ chữa cháy

- Vị trí dự kiến xây dựng, quy hoạch đường giao thông nội bộ trong khuôn viên khách sạn phải bảo đảm theo quy định tại Điều 6.2 đến Điều 6.5 QCVN 06:2021/BXD. Trong đó cần lưu ý:

- Bảo đảm đường cho xe chữa cháy tiếp cận được đến nhà, công trình. Khi có chiều cao PCCC ≤15 m, cho phép tiếp cận đến điểm bất kỳ trên hình chiếu bằng của nhà không lớn hơn 60 m. Chiều rộng thông thủy của mặt đường cho xe chữa cháy không được nhỏ hơn 3,5 m, chiều cao thông thủy không được nhỏ hơn 4,5 m;

- Tùy theo chiều cao công trình, bố trí bãi đỗ xe chữa cháy có kích thước rộng, dài tối thiểu (6 m x 15 m) và lối vào từ trên cao trên mặt tường ngoài nhà đối diện bãi đỗ (khách sạn có chiều cao PCCC lớn hơn 28m hoặc có chiều cao lớn hơn 15m nhưng nhỏ hơn 28m và trên mỗi tầng có quá 50 người, khoảng cách từ đường cho xe chữa cháy đến họng tiếp nước vào nhà lớn hơn 18m thì phải thực hiện).

 



Hình 5: Mô tả tổng thể giải pháp bố trí đường, bãi đỗ cho xe chữa cháy

 

e) Khoảng cách an toàn PCCC

- Phải bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC đến các công trình dân dụng xung quanh theo quy định tại Bảng E1, E2 thuộc Phụ lục E QCVN 06:2021/BXD. Quá trình xem xét khoảng cách an toàn PCCC cần kết hợp với lựa chọn loại vật liệu bề mặt tường ngoài của nhà (hầu hết thiết kế hiện nay là tường ngoài không chịu lực) để vừa đáp ứng được yếu tố thẩm mỹ nhưng cũng phải bảo đảm giới hạn chịu lửa theo quy định tại Bảng 4 và Bảng A1 QCVN 06:2021/BXD;

- Đối với công trình có bố trí trạm cấp LPG (gas) bằng giàn chai chứa thì phải bảo đảm khoảng cách an toàn từ công trình đến trạm (tối thiểu 1 m khi trạm có trữ lượng dưới 400 kg; tối thiểu 3 m khi trạm có trữ lượng từ 400 kg đến 1000 kg).

f) Giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan

Bảo đảm chống lan truyền cháy bằng tổ hợp các giải pháp ngăn cháy lan theo chiều ngang và chiều đứng quy định tại Mục 3, Mục 4 và Mục A2 QCVN 06:2021/BXD (khu vực gara ô tô bảo đảm quy định tại QCVN 13:2018/BXD). Trong đó lưu ý:

- Các phần nhà và gian phòng thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng khác nhau phải được ngăn cách với nhau bằng kết cấu ngăn cháy; các giải pháp ngăn cháy lan phải phù hợp với nhóm nguy hiểm cháy theo công năng tương ứng;

- Cửa các phòng kỹ thuật, cửa buồng thang bộ, cửa trên tường ngăn cháy, cửa trên sảnh đệm thang máy chữa cháy, sảnh đệm thang máy dưới hầm, cửa mở ra hành lang phục vụ thoát nạn … phải là các cửa chống cháy có cơ cấu tự động đóng với giới hạn chịu lửa phù hợp;

- Trên đường thoát nạn không sử dụng vật liệu dễ cháy làm trần, trải sàn hay ốp lát tường; Các hành lang trên đường thoát nạn phải được bao bọc bằng bộ phận ngăn cháy phù hợp (bộ phận ngăn cháy bao che hành lang giữa của nhà có bậc chịu lửa I, phải làm bằng vật liệu không cháy với giới hạn chịu lửa ít nhất El 30 và của nhà có bậc chịu lửa II, III, IV phải làm bằng vật liệu không cháy hoặc cháy yếu (Ch1) với giới hạn chịu lửa ít nhất EI 15); Các hành lang dài hơn 60 m phải được phân chia bằng các vách ngăn cháy loại 2 thành các đoạn có chiều dài không được vượt quá 60 m...);

- Các đường ống dẫn khí cháy, chất lỏng cháy không được đi xuyên phía dưới nhà, xuyên qua tường ngăn cháy loại 1, trong buồng thang bộ thoát nạn, hành lang thoát nạn, trên trần treo, trong tầng hầm. Tại các trục kỹ thuật có bố trí ống kỹ thuật, đường cáp đi xuyên qua kết cấu tường, sàn, vách phải được chèn bịt và xử lý chống cháy phù hợp để bảo đảm không làm giảm chỉ tiêu kỹ thuật về cháy của các kết cấu;

- Khi nhà có chiều cao PCCC từ trên 50 m phải bảo đảm thêm các nội dung như: được phân chia thành các khoang cháy theo chiều cao (không lớn hơn 50 m) bằng các tường ngăn cháy và sàn ngăn cháy hoặc bằng các tầng kỹ thuật; mặt đứng phía ngoài nhà qua các sàn ngăn cháy phải có giải pháp bảo đảm chống lan truyền các sản phẩm của đám cháy tại cao trình này bằng cách có thể bố trí mái đua bằng vật liệu không cháy bao quanh chu vi nhà với chiều rộng không nhỏ hơn 1 m tại cao trình của sàn ngăn cháy; Tường trong giữa các phòng ở của khách sạn, tường ngăn cách giữa các phòng với sảnh thông tầng; giữa hành lang với các phòng ở của khách sạn phải bảo đảm giới hạn chịu lửa EI60; Lớp hoàn thiện tường, trần và lớp phủ sàn trên đường thoát nạn (hành lang, tiền sảnh, phòng chờ), cũng như ở các tầng kỹ thuật phải được làm từ vật liệu không cháy …

g) Thiết bị, hệ thống PCCC

Khách sạn phải trang bị thiết bị, hệ thống PCCC bảo đảm theo quy định của tiêu chuẩn TCVN 3890:2009, theo đó:

- Tất cả các khu vực, hạng mục có nguy hiểm về cháy, nổ trong khách sạn kể cả những nơi đã được trang bị hệ thống chữa cháy đều phải trang bị bình chữa cháy. Lưu ý lựa chọn chủng loại bình chữa cháy, chất chữa cháy, vị trí, số lượng bảo đảm theo quy định tại Mục 5 TCVN 3890:2009, TCVN 7435-1:2004;

- Khách sạn cao từ 5 tầng trở lên hoặc khối tích từ 5000 m3 trở lên phải trang bị hệ thống báo cháy tự động. Ngoài ra với nhà cao từ trên 50 m phải là hệ thống báo cháy tự động theo địa chỉ đồng thời phải trang bị bổ sung hệ thống loa truyền thanh và điều khiển thoát nạn. Hệ thống báo cháy tự động phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật theo TCVN 5738:2001, TCVN 7568-14:2015…;

- Khách sạn cao từ 5 tầng trở lên phải trang bị hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà. Hệ thống phải thường xuyên có nước được duy trì ở áp suất bảo đảm yêu cầu chữa cháy. Việc trang bị số họng nước, lưu lượng của mỗi họng và các yêu cầu kỹ thuật khác thực hiện theo Điều 5.2 và Mục A2 (khi có chiều cao PCCC từ trên 50 m) QCVN 06:2021/BXD;

- Khách sạn có chiều cao PCCC từ 25 m phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động cho toàn bộ tòa nhà (trừ các khu vực ẩm ướt, cầu thang bộ, khu vực không có nguy hiểm về cháy). Ngoài ra khi bên trong khách sạn (kể cả chiều cao PCCC không đến 25 m) có bố trí các gian phòng gara để xe ô tô ngầm, phòng máy biến áp (điện áp từ 110 kv hoặc công suất 63 MVA), thùng, téc chứa dầu với dung tích từ 3 m3 trở lên thì cũng phải trang bị cho các khu vực này. Tùy theo tính chất nguy hiểm cháy, nổ đặc điểm của từng khu vực để trang bị loại hệ thống cho phù hợp, ví dụ khu vực gara để xe và các công năng chính của khách sạn trang bị hệ thống chữa cháy tự động bằng nước Sprinkler; khu vực phòng máy biến áp, phòng kỹ thuật điện trang bị hệ thống chữa cháy tự động bằng khí; khu vực bồn, téc dầu trang bị hệ thống chữa cháy tự động bằng bọt. Yêu cầu kỹ thuật của hệ thống thiết kế bảo đảm theo Mục 7 TCVN 3890:2009, TCVN 7336:2003, TCVN 7161:2009, Mục A2 QCVN 06:2021/BXD (khi nhà có chiều cao PCCC từ trên 50 m)…;

- Tất cả các khách sạn phải trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà (trừ khách sạn có bậc chịu lửa I, II có khối tích đến 250 m3 bố trí tại các điểm dân cư). Việc tính toán lưu lượng, cột áp, khoảng cách giữa các trụ cấp nước… thực hiện theo Điều 5.1 QCVN 06:2021/BXD, TCVN 6379:1998. Đối với khách sạn nằm trong khu dân cư, đô thị đã bố trí hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà bằng trụ bảo đảm khoảng cách, lưu lượng, cột áp theo yêu cầu của công trình thì có thể không cần thiết kế riêng;

>>> Xem thêm: Trụ tiếp nước chữa cháy 3 cửa 

- Khách sạn có chiều cao PCCC từ 25 m và có hơn 50 người trên 1 tầng phải trang bị phương tiện cứu người. Việc trang bị loại phương tiện sẽ do cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH quyết định;

- Phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn được trang bị trên lối thoát nạn của nhà và công trình trong các khu vực sau: ở các chỗ nguy hiểm cho sự di chuyển của người; ở các lối đi và trên các cầu thang bộ dùng để thoát nạn cho người khi số lượng người cần thoát nạn lớn hơn 50 người; ở các vị trí chỉ dẫn cầu thang bộ trong các nhà ở có chiều cao lớn hơn 6 tầng; trong các gian phòng công cộng nếu ở đó khả năng tụ tập đồng thời nhiều hơn 100 người. Yêu cầu kỹ thuật bảo đảm theo Điều 10.1.5, Điều 10.1.6 TCVN 3890:2009;

>>> Xem thêm: Đèn sự cố - đèn exit

- Trang bị tối thiểu một bộ dụng cụ phá dỡ thông thường cho nhà và công trình, bố trí tại khu vực thường trực về phòng cháy và chữa cháy;

>>> Xem thêm: Búa tạ thoát hiểm

>>> Xem thêm: Kìm cộng lực phá vỡ pccc

>>> Xem thêm: Xà beng chữa cháy

>>> Xem thêm: Rìu chữa cháy chuyên dụng pccc

- Bên trong phòng lưu trú của khách sạn cần trang bị phương tiện bảo hộ chống khói (tối thiểu một người 1 khẩu trang lọc độc, khuyến khích trang bị thêm mặt trùm lọc độc);

>>>Xem thêm: Mặt nạ thoát hiểm- mặt nạ chống khói độc

- Ngoài ra cần lưu ý tùy theo quy mô, số tầng, chiều cao công trình để bố trí các họng nhận, họng tiếp nước chữa cháy; trữ lượng bể nước chữa cháy và trạm bơm nước chữa cháy cho phù hợp; Khi nhà có từ 2 tầng hầm cần trang bị hệ thống liên lạc khẩn cấp hai chiều giữa phòng trực điều khiển chống cháy tới những khu vực như: phòng đặt trạm bơm cấp nước chữa cháy, phòng máy phát điện và phòng máy thang máy, các phòng lắp đặt thiết bị điều khiển hệ thống kiểm soát chống khói, thang máy chữa cháy, các gian lánh nạn.

>>> Xem thêm: Họng tiếp nước chữa cháy 

h) Giải pháp chống tụ khói

Việc bảo vệ chống khói cho nhà và công trình nhằm để bảo vệ an toàn cho người thoát khỏi nhà khi xảy ra cháy. Hệ thống chống khói phải độc lập cho từng khoang cháy. Việc bảo vệ chống khói cho nhà và công trình bao gồm hút xả khói và cấp không khí vào. Căn cứ quy mô và công năng của khách sạn, thiết kế giải pháp chống tụ khói cho từng khu vực của công trình bảo đảm theo Phụ lục D QCVN 06:2021/BXD (khu vực gara ô tô theo QCVN 13:2018/BXD), TCVN 5687:2010. Trong đó lưu ý:

- Bố trí hệ thống hút khói cho các khu vực như: hành lang và sảnh với các nhà có chiều cao PCCC lớn hơn 28 m; hành lang có chiều dài lớn hơn 15 m của nhà cao từ 6 tầng trở lên; hành lang của tầng hầm, tầng nửa hầm không có thông gió tự nhiên mà hành lang này dẫn vào các khu vực thường xuyên có người; sảnh thông tầng của nhà có chiều cao PCCC lớn hơn 28 m, cũng như từ các sảnh thông tầng có chiều cao PCCC lớn hơn 15 m và từ các hành lang có cửa đi hoặc ban công mở thông với không gian của sảnh thông tầng trên (cho phép không bố trí cho hành lang và sảnh khi các gian phòng có cửa đi vào hành lang hoặc sảnh này đã được thoát khói trực tiếp); các gian phòng không có thông gió tự nhiên với diện tích từ 50 m2 trở lên, thường xuyên hoặc nhất thời tập trung từ 50 người trở lên (cho phép không bố trí khi các gian phòng này được trang bị chữa cháy tự động bằng khí, bột, aerosol hoặc các gian có diện tích đến 200 m2, được trang bị hệ thống chữa cháy tự động bằng bọt hoặc nước); Các gian phòng lưu giữ ô-tô, xe máy của các gara ô-tô, xe máy ngầm và gara ô-tô, xe máy kín trên mặt đất;

- Bố trí hệ thống tăng áp (cung cấp không khí tạo áp suất dương): cho các giếng thang máy của nhà có buồng thang không nhiễm khói và thang máy chữa cháy, buồng thang loại N2, khoang đệm của buồng thang loại N3 (thường ở các nhà có chiều cao PCCC trên 28 m) và khoang đệm trước thang máy trong tầng hầm và tầng nửa hầm.... Lưu lượng không khí vào khoang đệm tại miệng cấp gió phải không nhỏ hơn 1,3 m/s bảo đảm độ dư của áp suất không khí so với môi trường xung quanh không thấp hơn 20Pa và không lớn hơn 50Pa.

i) Nguồn điện cấp cho PCCC, hệ thống chống sét

- Nguồn điện cấp cho hệ thống PCCC và các hệ thống kỹ thuật khác có liên quan đến PCCC phải là nguồn điện ưu tiên (kết nối với ít nhất 2 nguồn điện), tách riêng với hệ thống điện phục vụ kinh doanh, sinh hoạt của nhà. Dây dẫn điện từ bảng điện đầu vào và phân phối đến hệ thống PCCC phải là dây điện, cáp điện có vỏ bọc chống cháy phù hợp theo QCVN 12:2014/BXD và các tiêu chuẩn hiện hành;

- Ngoài ra đối với các khách sạn có chiều cao PCCC từ trên 50 m, điện cấp cho các hệ thống thiết bị kỹ thuật (thang máy chữa cháy; Các thiết bị của hệ thống bảo vệ chống cháy; Hệ thống báo cháy tự động và hướng dẫn thoát nạn; Các thiết bị của hệ thống chữa cháy tự động và cấp nước chữa cháy; Các thiết bị bảo vệ chống cháy cho hệ thống thiết bị kỹ thuật; Các trang thiết bị phục vụ cứu hộ - cứu nạn) phải bảo đảm duy trì sự làm việc của các thiết bị đó trong thời gian không ít hơn 3 giờ kể từ khi có cháy và phải được lấy từ 3 nguồn cấp độc lập;

- Tùy theo quy mô, vị trí địa lý (vùng thường xuyên hoặc ít khi xuất hiện sét) để trang bị loại thiết bị, hệ thống chống sét cho phù hợp để bảo đảm tất cả các hạng mục trong công trình khách sạn được bảo vệ.

4. Thực hiện thủ tục thẩm duyệt thiết kế về PCCC

- Đối với công trình thuộc diện thẩm duyệt về PCCC sau khi thiết kế xong, chủ đầu tư phải lập hồ sơ bảo đảm thành phần theo quy định tại khoản 4, Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP. Trong đó lưu ý văn bản, giấy tờ trong hồ sơ là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hoặc bản sao hoặc bản chụp kèm theo bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu. Bản vẽ và thuyết minh thiết kế phải có xác nhận của chủ đầu tư. Hồ sơ nếu bằng tiếng nước ngoài thì có bản dịch ra tiếng Việt và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về nội dung của bản dịch đó, đồng thời khi nộp hồ sơ cần bổ sung tài liệu chứng minh năng lực của đơn vị tư vấn thiết kế về PCCC như: giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ về PCCC, chứng chỉ hành nghề tư vấn thiết kế đối với chủ trì thiết kế;

- Công trình có chiều cao PCCC trên 100 m hoặc có tổng mức đầu tư từ 800 tỷ đồng trở lên (dự án nhóm A) nộp hồ sơ tại Cục Cảnh sát PCCC&CNCH; các công trình còn lại nộp tại Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an cấp tỉnh (hoặc bộ phận hành chính công của tỉnh) nơi công trình dự kiến xây dựng;

- Tùy theo tình hình thực tế tại mỗi đơn vị, địa phương, cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH tổ chức tiếp nhận theo một hay cả ba hình thức (1)Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền; (2)Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền;(3)Thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật;

- Nhận kết quả và nộp phí thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định tại Thông tư số 258/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính.

Phần 2: Giai đoạn thực hiện đầu tư xây dựng dự án, công trình

Sau khi hoàn thành các thủ tục về đất đai, quy hoạch, PCCC và đủ điều kiện để khởi công xây dựng công trình. Quá trình thi công, nghiệm thu, đưa vào sử dụng khách sạn bạn cần lưu ý một số nội dung có liên quan đến PCCC như sau:

1. Công tác triển khai thi công xây dựng

- Lựa chọn nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn giám sát về PCCC có đủ năng lực (đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ về PCCC);

- Tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát thi công theo đúng thiết kế về PCCC đã được thẩm duyệt. Trường hợp trong quá trình thi công nếu có sự thay đổi, điều chỉnh về thiết kế và thiết bị phòng cháy và chữa cháy ảnh hưởng đến một trong các nội dung quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 5 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thì lập thiết kế bổ sung bảo đảm theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy và chữa cháy và phải được thẩm duyệt các nội dung thay đổi, điều chỉnh trước khi thi công;

- Bảo đảm an toàn về PCCC đối với công trình trong suốt quá trình xây dựng đến khi nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Đối với công trình thuộc diện thẩm duyệt về PCCC, cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH địa phương nơi có công trình xây dựng sẽ tổ chức kiểm tra an toàn PCCC trong quá trình thi công định kỳ một năm một lần (hoặc đột xuất khi có yêu cầu) theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

- Trước khi mua sắm, đấu thầu và lắp các phương tiện PCCC (được quy định tại Phụ lục VII Nghị định số 136/2020/NĐ-CP như: thiết bị thuộc hệ thống báo cháy, thiết bị thuộc hệ thống chữa cháy, bơm chữa cháy, cửa chống cháy, vách ngăn cháy, kính chống cháy…) vào công trình, bạn phải yêu cầu đơn vị cung cấp, nhà thầu thi công thực hiện kiểm định và cung cấp giấy chứng nhận kiểm định về PCCC, đồng thời kiểm tra việc dán tem kiểm định của một số thiết bị PCCC theo quy định.

 



Hình 6: Minh họa hệ thống chữa cháy bằng nước (nguồn internet)

 

2. Công tác nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu về PCCC trước khi đưa vào sử dụng

- Khi khách sạn đã thi công hoàn thiện theo thiết kế, chủ đầu tư phải phối hợp với các đơn vị nhà thầu, tư vấn hoàn thiện bản vẽ hoàn công, các biên bản nghiệm thu nội bộ, hồ sơ hoàn thành công trình để tổ chức nghiệm thu công việc xây dựng, bộ phận, hạng mục công trình, công trình theo quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP. Đối với khách sạn không thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC thì không phải mời cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH tổ chức kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC, tuy nhiên trước khi đưa vào sử dụng cần liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước về PCCC tại địa phương để được hướng dẫn lập hồ sơ quản lý công tác PCCC và thực hiện các điều kiện an toàn về PCCC đối với một cơ sở theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

- Đối với khách sạn đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC, chủ đầu tư phải lập hồ sơ nghiệm thu về PCCC bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP nộp đến cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH thực hiện thẩm duyệt trước đó kiểm tra kết quả nghiệm thu và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC cho công trình trước khi đưa vào hoạt động. Việc đề nghị kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC có thể tổng thể toàn bộ công trình hoặc từng phần, từng giai đoạn. Để được nghiệm thu từng phần, từng hạng mục thì hạng mục đó phải bảo đảm các giải pháp an toàn PCCC trong điều kiện vận hành độc lập (giao thông cho xe chữa cháy, khoảng cách an toàn PCCC, giải pháp về kết cấu, lối thoát nạn, giải pháp ngăn cháy, các hệ thống PCCC và các hệ thống kỹ thuật khác có liên quan) và không bị ảnh hưởng bởi việc thi công, hoàn thiện của hạng mục khác.

3. Công tác bảo đảm an toàn PCCC khi đưa khách sạn vào sử dụng

Sau khi được cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC, chủ đầu tư, đơn vị sử dụng cần phải:

- Liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước về PCCC tại địa phương để được hướng dẫn lập hồ sơ quản lý công tác PCCC và thực hiện các điều kiện an toàn về PCCC đối với một cơ sở theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP;

- Tập hợp, lưu trữ hồ sơ trong suốt quá trình đưa công trình vào sử dụng và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

- Bảo đảm sử dụng theo đúng công năng, diện tích đã được thẩm duyệt, đồng thời tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện PCCC theo TCVN 3890:2009, Thông tư số 17/2021/TT-BCA ngày 05/02/2021 của Bộ Công an và quy định của pháp luật. Trường hợp cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng các hạng mục thuộc khách sạn ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn PCCC quy định tại điểm b khoản 5 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thì phải lập hồ sơ thiết kế điều chỉnh, gửi đến cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH theo thẩm quyền để được thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC theo quy định.

Trên đây là một số nội dung cơ bản về PCCC có liên quan đến quá trình đầu tư xây dựng khách sạn, hy vọng nó sẽ hữu ích với bạn. Chúc bạn đầu tư, kinh doanh khách sạn thành công.

 

>>>Xem thêm: Bình chữa cháy bột 4kg MFZL4

>>>Xem thêm: Mặt nạ thoát hiểm- mặt nạ chống khói độc

>>>Xem thêm: Bình chữa cháy CO2 3kg MT3

>>>Xem thêm: Bình chữa cháy CO2 5kg MT5

>>>Xem thêm: Thiết bị bảo hộ phòng cháy

>>>Xem thêm: Túi y tế - túi sơ cấp cứu- túi cứu thương

 

Vậy mua các trang thiết bị PCCC ở đâu có tem kiểm định chất lượng, nguồn gốc rõ ràng 

 Liên hệ hotline ☎ 0938 450 114 (zalo/call)

Công ty PCCC PHÁT ĐẠT chuyên phân phối mua bán các thiết bị pccc sỉ và lẻ. Chúng tôi cung cấp các sản phẩm đầu phun chữa cháy đạt theo tiêu chuẩn PCCC mua bán có chứng từ cam kết sản phẩm và bảo hành theo định kỳ.  PCCC PHÁT ĐẠT chuyên nhập khẩu cung cấp các vật tư PCCC và thiết bị bảo hộ PCCC như : Bình chữa cháy ( Renan, VNSAFE, YongJin, JIS, SRI, Multron, Dragon, Tomoken), vòi chữa cháy ( TQ, HQ, Đức,Tomoken, Dragon) đầu phun chữa cháy sprinkler ( Tyco/UK, Pro/Taiwan, TQ), thiết bị báo cháy ( Horing, GST, Formosa, Chungmei, Yunyang, Multron, Hochiki), bình dưỡng khí thở SCBA, mặt nạ phòng khói độc XHZLC40, TZL30, cáng cứu thương, túi y tế loại A,B,C, và các vật tư pccc theo tiêu chuẩn thông tư 150/2020 ( TT150), theo thông tư 48/2015 ( TT48), theo thông tư 56/2014, theo thông tư 17/2021, thông tư 136, thông tư 149/2020.........

 

Mọi chi tiết liên hệ :

CÔNG TY TNHH XNK TM DV PCCC PHÁT ĐẠT

Đ/C Chính : 116 Lương Thế Vinh, P. Tân Thới Hòa, Quận Tân Phú, HCM.

Chi nhánh Q7 : 988 Huỳnh Tấn Phát, P.Tân Phú, Q.7, HCM

Hotline: 0938 450 114 ( Zalo/ Call) - 0902 492 114

Email: phongchaygiare@gmail.com 

Website: www.phongchaygiare.com

Lượt xem: 1434
Tin liên quan